Dự toán là thuật ngữ xuất hiện nhiều trong cuộc sống hàng ngày. Thế nhưng không phải ai cũng có thể hiểu hết được, đặc biệt với những người không có kiến thức chuyên môn. Trong bài viết này, chúng ta sẽ tìm hiểu dự toán là gì trong xây dựng, mục đích lập dự toán cũng như các hạng mục công trình cần tính đến.
1. Dự toán là gì?
Trước hết, hãy cùng tìm hiểu dự toán tiếng Anh là gì? Dự toán trong tiếng Anh có nghĩa là Estimate, dự toán chi phí là Cost Estimate. Đây là thuật ngữ được sử dụng để chỉ việc đưa ra số liệu liên quan tới những công việc chuẩn bị diễn ra. Thông qua việc tính toán, bạn có thể đưa ra được những con số gần như chính xác, để có kế hoạch chuẩn bị mọi thứ trước khi bắt tay vào thực hiện hạng mục công việc.
Dự toán là gì? Thuật ngữ này được sử dụng nhiều trong lĩnh vực xây dựng
Khái niệm này nghe vẫn có vẻ chung chung, bởi thực chất dự toán là công việc được thực hiện trong nhiều lĩnh vực. Nếu xét trong lĩnh vực bất động sản, cụ thể hơn là xây dựng sẽ lại có thêm một số khái niệm cần định nghĩa như sau:
Dự toán xây dựng là gì?
Dự toán xây dựng là phương pháp tính toán để xác định tổng chi phí cần phải đầu tư cho một công trình bất kỳ. Công việc tính toán này sẽ được diễn ra ở giai đoạn thiết kế kỹ thuật, hoặc thiết kế kỹ thuật - thi công. Nội dung chi phí sẽ bao gồm giá trị dự toán mua sắm trang thiết bị, giá trị dự toán xây lắp, các chi phí dự phòng và một số chi phí khác. Trong đó:
Giá trị dự toán mua sắm trang thiết bị:
Là chi phí nhà đầu tư phải bỏ ra để mua sắm các món đồ công nghệ phục vụ sản xuất, làm việc, sinh hoạt. Phí vận chuyển từ địa điểm mua cho tới công trình, và còn rất nhiều các loại chi phí khác như: phí bảo quản, bảo dưỡng, phí bảo hiểm các thiết bị và thuế của chúng.
Giá trị dự toán xây lắp bao gồm:
Chi phí phá công trình
kiến trúc cũ, chi phí san phẳng mặt bằng xây dựng. Bên cạnh đó số tiền phải bỏ ra để xây những công trình tạm hỗ trợ thi công (nằm trong hạng mục chi phí chung); chi phí thi công các hạng mục; chi phí cần bỏ ra để lắp đặt thiết bị (có thể có hoặc không),... Trong đó, nhiều người thắc mắc chi phí chung trong dự toán là gì? Thực tế, đây là loại chi phí không liên quan trực tiếp đến công trình xây dựng.
Phí dự phòng:
Đây là khoản chi để dự trù cho những công việc phát sinh sau này, có thể liên quan đến thiết kế. Nhìn chung, công trình nào cũng cần phải dự toán được chi phí dự phòng để tránh rắc rối khi có nhiều công việc không thể lường trước xảy ra,...
Các chi phí khác:
Bao gồm rất nhiều các loại phí như chi phí phục vụ cho công việc tư vấn đầu tư, nghiên cứu khoa học công nghệ cho dự án (có thể có mặt không); phí tiền chuyển công tác. Bên cạnh đó có thể đầu tư chi phí liên quan đến đền bù; phí chuyển quyền sử dụng đất, phí hồ sơ mời thầu;....
Công việc dự toán xây dựng khá phức tạp và tốn nhiều thời gian
Hiểu được dự toán xây dựng là gì thì sau này bạn sẽ không phải bỡ ngỡ trong cách tính dự toán công trình.
Lập dự toán công trình là gì?
Hiểu một cách đơn giản, lập dự toán là công việc dự trù, liệt kê tất cả các loại phí dự kiến liên quan đến việc xây dựng công trình sau này, để chủ đầu tư có thể nắm được mức đầu tư xây dựng ban đầu.
Bảng dự toán sẽ bao gồm đầy đủ các loại chi phí trước thi công. Tính toán dựa trên các cơ sở số liệu dự kiến trước đó và hướng dẫn phương pháp xác định. Bản dự toán chính là cơ sở để chủ đầu tư có thể lập kế hoạch quản lý chi phí đầu tư trước và trong quá trình thi công.
2. Công việc lập dự toán nhằm mục đích gì?
Như đã đề cập ở trên, lập dự toán là việc đưa ra số liệu về chi phí đầu tư ban đầu cho các hạng mục sắp diễn ra. Mục đích cụ thể của công việc này như sau:
- Giúp nhà đầu tư có bước đầu chuẩn bị thật tốt kế hoạch xây dựng ban đầu. Đồng thời tiến hành góp vốn, huy động vốn kịp thời.
- Nhà đầu tư khi nắm được những hạng mục đi kèm chi phí sẽ dễ dàng chọn lựa được đơn vị thầu phù hợp. Việc làm ngày cũng giúp nhà đầu tư tiết kiệm được kha khá chi phí về sau.
- Giúp cho công việc quyết toán sau khi công trình hoàn thành trở nên dễ dàng hơn. Bởi nhà đầu tư có thể xác định được chi phí hư tổn, chi phí phải bỏ ra cho nhiều hoạt động khác nữa.
- Đơn vị đầu tư sẽ có thể đưa ra được kế hoạch đầu tư cụ thể nhờ vào các số liệu trong bảng dự toán. Trong trường hợp cần vay vốn ngân hàng thì những con số sẽ giúp đơn vị dễ đàm phán hơn.
- Công việc này cũng chính là cơ sở để tính toán và đưa ra các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật, giúp chọn ra được phương án đầu tư tốt nhất cho công trình.
- Sau cùng, đây cũng là yếu tố ban đầu, giúp bên đầu tư và bên thầu thuận lợi đi tới quyết định ký hợp đồng. Công tác thanh toán, quyết toán nhờ thế mà cũng trở nên đơn giản hơn, tránh được nhiều rắc rối sau khi dự án đi vào chặng đường cuối cùng.
Dự toán chính xác là bước đầu hướng tới sự hợp tác tốt đẹp sau này của đơn vị thầu và chủ đầu tư
3. Hướng dẫn lập dự toán xây dựng cho người mới
Đối với những người chưa có kinh nghiệm thì dự toán là một công việc tương đối khó khăn. Bởi có rất nhiều chi phí cần phải tính trong bảng dự toán. Vì vậy, nếu bạn là người mới, chưa có kiến thức chuyên môn cũng như kinh nghiệm thì cần phải hết sức cẩn trọng. Để có thể hoàn thành tốt công việc dự toán, bạn cần lưu ý tới các hạng mục quan trọng của công trình.
Trước tiên, bạn cần nắm được dự toán là gì, dự toán gồm những bước nào, bắt đầu từ những việc ít để ý nhất. Chẳng hạn như công việc chuẩn bị dọn dẹp mặt bằng thi công. Nhìn chung, bạn cần liệt kê được hạng mục sau đó bóc tách chúng ra.
Ví dụ để bạn có thể dễ hình dung, nếu hạng mục là phần móng, thì những công việc liên quan đến phần móng bao gồm: đào đất, hót bê tông và bê tông móng, cốt thép móng,... Nếu là phần thân thì các công việc bao gồm: bê tông cột ván, khuôn bê tông dầm sàn tầng một,...
Công việc dự toán dựa trên những hạng mục sau:
Dự toán về khối lượng
Dự toán khối lượng là công việc tiếp theo, sau khi đã chọn xong công tác và xác định được những gì cần làm. Để có thể làm được điều này thì bạn cần phải đọc và hiểu được bản vẽ. Chúng tôi chắc chắn rằng đây là công việc khó khăn đối với những ai không có kiến thức chuyên môn về ngành xây dựng. Thậm chí có nhiều trường hợp học ngành xây dựng, nhưng việc đọc bản vẽ lại khó khăn bởi chưa từng trải qua thiết kế - thi công.
Đọc bản vẽ là nhiệm vụ quan trọng trong công việc xác định khối lượng
Như vậy nếu cảm thấy có khó khăn, thì bạn nên dành chút thời gian xem xét lại. Cần hiểu, và thậm chí là thuộc một số ý tưởng của người thiết kế và người làm bản vẽ đi trước. Có thể xem thêm nhiều bản vẽ khác nhau để so sánh và hình dung được một cách cụ thể nhất. Nhìn chung, với người mới bắt đầu, thì đây là công việc khó nhằn, cần nhiều cố gắng. Còn với những người đã từng trải, vừa có kinh nghiệm thiết kế, vừa có kinh nghiệm lập dự toán thì công việc sẽ dễ dàng hơn.
Khi bắt tay vào công việc tính toán khối lượng, dù có nhiều hay ít kinh nghiệm, bạn tuyệt đối không được bỏ qua khối lượng chính. Về phần khối lượng nhỏ thì có thể hoàn thiện sau khi đã quen dần với công việc, hoặc nhờ người đóng góp ý kiến. Như vậy bạn sẽ có được nhiều kiến thức để áp vào các dự án tiếp theo.
Dự toán chiết tính đơn giá
Sau khi hoàn thành công tác xác định khối lượng, thì bạn chỉ cần tính thêm đơn giá. Hiểu một cách đơn giản thì khi có được khối lượng, có được đơn giá, nhân lên thì sẽ tính được dự toán.
Tuy nhiên, để tính được đơn giá, thì việc bạn cần làm là tính được 4 số liệu. Bao gồm: giá nhân công tính ở thời điểm hiện tại (lương một ngày công); định mức; giá vật liệu (tham khảo thị trường); giá ca máy.
Trong đó, định mức là những hao phí để thực hiện một đơn vị công tác bất kỳ. Là người mới bắt đầu, thì bạn chỉ cần áp dụng mức định mức mà nhà nước đưa ra. Bên cạnh đó tham khảo thêm một số tài liệu dự toán của người đi trước, xem cách họ làm như thế nào. Đôi khi cũng phát sinh ra một số định mức không phù hợp cần điều chỉnh, tuy nhiên thời gian đầu, bạn không nên quá quan tâm. Sau khi đã quen tay thì điều chỉnh cũng chưa muộn.
Dự toán về giá vật liệu
Dự toán về giá vật liệu là công việc phức tạp, bước đầu tồn tại nhiều khó khăn. Tuy nhiên phức tạp ở đây không phải là công việc tính toán, bởi thực tế bạn chỉ cần sửa trực tiếp trong bảng tính giá vật liệu. Mà vấn đề ở đây chính là câu hỏi lấy vật liệu ở đâu và mức giá đó làm sao để được chấp nhận?
Để giải quyết được vấn đề này thì bạn cần phải tham khảo giá ở công bố giá như tìm kiếm trên các website, diễn đàn. Đồng thời, nên đi tham khảo giá cả tại các cửa hàng ở địa phương bởi mỗi địa phương sẽ có đơn giá khác nhau. Khi đã có được số liệu thống kê cụ thể thì bạn có thể tính toán và đưa ra dự đoán cuối cùng.
Tham khảo giá vật liệu xây dựng tại địa phương để có tính toán sát thực tế nhất
Bảng tổng hợp kinh phí cùng hệ số
Phụ thuộc vào mức lương của mỗi vùng miền mà bạn cần phải điều chỉnh lại hệ số của các chi phí. Chi phí mà Batdongsan.com.vn nhắc đến ở đây là để dành cho nhân công và máy thi công. Cụ thể hơn đó là các loại chi phí chung, chi phí trực tiếp, chi phí dự phòng và mức thuế phải chịu.
Một số hạng mục đi kèm cần làm rõ trong bảng dự toán dự án là giá ca máy và tiền lương của nhân công,....
4. Yêu cầu mà một người làm nghề dự toán cần nắm được
Dự toán là một công việc khó khăn đối với người mới bắt đầu. Đặc biệt, dưới đây là những yêu cầu mà người làm nghề phải đáp ứng được:
Đọc được bản vẽ xây dựng
Đây cũng là một trong những vấn đề mà chúng tôi vừa đề cập ở trên. Bởi khả năng đọc các bản vẽ không phải tự dưng mà có, nó là cả một quá trình trau dồi kiến thức về xây dựng.
Bạn phải đọc được bản vẽ thì mới có thể hình dung được về công trình, trong đó bao gồm các giai đoạn thực hiện và thi công. Bên cạnh đó, bạn cần phải trang bị được đầy đủ kiến thức chuyên môn về nguyên vật liệu để xây dựng công trình và nắm được các vấn đề tiền lệ khác trong xây dựng.
Kinh nghiệm và trải nghiệm thực tế rất quan trọng
Khi có kinh nghiệm, thì công việc sẽ trở nên dễ dàng hơn tuy nhiên nếu không có kinh nghiệm thì bạn phải trải nghiệm thực tế nhiều để hiểu. Bên cạnh việc tích lũy kiến thức trong sách nên đi thực tế tại các công trường, tham khảo thêm các video hướng dẫn trên mạng,...
Có đầu óc phân tích và phán đoán
Đối với người làm nghề dự toán, để có thể xác định được một số vấn đề trong công việc đo bóc tiên lượng, cần phải nắm được nguyên tắc. Cụ thể là việc nắm vững phương pháp chuẩn khi lập dự toán. Trong quá trình làm việc, phải có đầu óc phân tích và phán đoán nhanh nhạy, đặc biệt là am hiểu sâu rộng, đưa ra được những tài liệu văn bản về quy phạm pháp luật liên quan.
Nắm được những yêu cầu để có thể hoàn thành tốt công việc
Áp dụng công nghệ vào công việc thực tế
Ngày nay, với sự phát triển của khoa học công nghệ, quá trình thiết kế xây dựng và phác thảo bản vẽ đã được hỗ trợ rất nhiều bằng các phần mềm, công cụ. Tất cả các công việc xác định khối lượng, dự toán chiết giá; thiết kế bản vẽ cùng các tài liệu liên quan đều có thể được thực hiện hết trên máy tính. Vì vậy bạn cần phải có sự am hiểu nhất định về máy tính, đồng thời cần phải có kỹ năng thành thạo, sở hữu đầu óc sắc bén để có thể áp dụng công nghệ vào công việc... mới có thể hoàn thành được công việc một cách tốt nhất.
Theo thanhnienviet